Saturday 14 August 2010

SỰ: NGHIỆP



Con người ta khi gặp nhau, đến với nhau ai cũng vui cười, nói toàn những điều tốt đẹp. Quần áo lượt là và đầy sang trọng để chứng tỏ cái đẹp, cái sang giàu và sung sướng mà mình đang có. Thế nhưng bên trong tâm hồn mỗi người ai lại chẳng có nỗi khổ, lo buồn riêng.
Mới đó ca múa, nói cười vui sướng cuộc đời sau than buồn, than khổ. Ngày trước thì chửi vợ, mắng con như tuồng kẻ thù không đội trời chung, ngày sau thì lại nựng nịu, hôn hít làm như thương nhất trần đời. Ôi! Cuộc sống con người và thế gian này giả tạo và mong manh quá! Với muôn hình vạn trạng lừa dối lẫn nhau để rồi ta sống trong đó cũng phải giả bộ đóng trò với trăm ngàn sắc mặt, điệu bộ và màu áo khác nhau bên ngoài.
Đằng xa nhìn mọi người thì thấy họ vui cười, có vẻ hạnh phúc. Nhưng qua những mẫu chuyện trao đổi qua lại thì thấy cả cuộc đời họ chỉ toàn là một chuỗi dài đau khổ mà thôi.
Thật vậy, người giàu sang có những nỗi khổ của người giàu sang, cái đau khổ giằn vặt, cấu xé về mặt tinh thần, cái khổ của sợ hãi, mất mát, khổ của kiêu mạn, ganh tị… Người giàu sang khi thoát được cảnh nghèo túng, khổ sở về mặt vật chất thì lẽ ra phải tìm cho mình một lý tưởng cao đẹp hơn chứ? Nhưng không! Họ vẫn tiếp tục bôn ba, bận rộn để kiếm thêm mãi, thêm mãi. Dẫu rằng tiền trong ngân hàng có lên đến bạc triệu họ vẫn mãi tìm.
Dẫu rằng với một số tiền nhỏ của họ thôi, họ cũng có thể ngồi yên ăn và hưởng suốt đời. Nhưng không! Họ vẫn thấy chưa đủ cần phải làm và làm liên tục cho đến khi nào không thể làm được nữa như bệnh nặng, bán thân bất toại hoặc chết, khi đó mới thôi. Cái đủ cho họ sẽ chẳng bao giờ đủ, vậy mà họ còn gánh thêm cái đủ cho con cái, cháu chít. Thế thì cái đủ đó hỏi biết bao giờ mới đủ đây?
Thế nên trong kinh Di Giáo, đức Phật có dạy: “Nếu ta biết đủ thì dù nằm trên đất cũng thấy đủ, còn không biết đủ thì dù có nằm trên đống vàng hay trên thiên đường cũng không thấy đủ…”
Bạn cho rằng, bạn quan tâm đến con cái? Cố làm thật nhiều tiền để dành cho chúng? Không đâu! Bạn đang hại chúng đấy! Bạn không nghĩ rằng con bạn đã lớn, tự nhận thức, tự kiếm tiền và tự lập được rồi ư? Bạn thử nghĩ, nếu không có bạn thì chúng sẽ ra sao? Chết đói ư? Nếu một người con chỉ biết trông chờ vào số tài khoản mà cha mẹ cực khổ tạo ra để hưởng thì đó là một kẻ đại bất hiếu và bạn chính là người tiếp tay tạo ra những chủng tử như thế, tạo cho chúng tính ỷ lại vào người khác mà không có tinh thần cầu tiến, vượt khó. Có nghèo khổ, đói rách mới biết trân quý những gì mình làm ra. Bạn nghĩ rằng, tiền làm nên tất cả? Không, nó chỉ là phương tiện sống mà thôi, cái chính là tình thương nhân loại kia. Nhiều người còn cho rằng: Có tiền mua Tiên cũng được. Liệu có quá không khi đề cao giá trị đồng tiền lên trên nhân phẩm con người, sống theo chủ nghĩa thờ tiền? Rồi khi chết đi họ có mua lại được mạng sống nữa hay chăng? Mà nói có tiền là có tất cả? Hay chỉ là một kẻ trắng tay sau khi nhắm mắt lìa đời. Để lại sau lưng những cấu xé tranh giành từ những người thân thích, những đớn đau ê chề?
Vốn dĩ cuộc đời chỉ là một vòng tròn thay đổi bất tận mà con người luôn chạy theo những danh vọng, hơn thua trong cái vòng luẩn quẩn ấy. Để rồi phải hối tiếc khi về già mắt mờ, tai điếc, chân run lập cập đối mặt với tử thần. Khi ấy mới nhắc đến hai chữ “GIÁ MÀ”.

Tâm Đồng - 2009

No comments:

Post a Comment