Saturday 14 August 2010

SỰ: NGHIỆP



Con người ta khi gặp nhau, đến với nhau ai cũng vui cười, nói toàn những điều tốt đẹp. Quần áo lượt là và đầy sang trọng để chứng tỏ cái đẹp, cái sang giàu và sung sướng mà mình đang có. Thế nhưng bên trong tâm hồn mỗi người ai lại chẳng có nỗi khổ, lo buồn riêng.
Mới đó ca múa, nói cười vui sướng cuộc đời sau than buồn, than khổ. Ngày trước thì chửi vợ, mắng con như tuồng kẻ thù không đội trời chung, ngày sau thì lại nựng nịu, hôn hít làm như thương nhất trần đời. Ôi! Cuộc sống con người và thế gian này giả tạo và mong manh quá! Với muôn hình vạn trạng lừa dối lẫn nhau để rồi ta sống trong đó cũng phải giả bộ đóng trò với trăm ngàn sắc mặt, điệu bộ và màu áo khác nhau bên ngoài.
Đằng xa nhìn mọi người thì thấy họ vui cười, có vẻ hạnh phúc. Nhưng qua những mẫu chuyện trao đổi qua lại thì thấy cả cuộc đời họ chỉ toàn là một chuỗi dài đau khổ mà thôi.
Thật vậy, người giàu sang có những nỗi khổ của người giàu sang, cái đau khổ giằn vặt, cấu xé về mặt tinh thần, cái khổ của sợ hãi, mất mát, khổ của kiêu mạn, ganh tị… Người giàu sang khi thoát được cảnh nghèo túng, khổ sở về mặt vật chất thì lẽ ra phải tìm cho mình một lý tưởng cao đẹp hơn chứ? Nhưng không! Họ vẫn tiếp tục bôn ba, bận rộn để kiếm thêm mãi, thêm mãi. Dẫu rằng tiền trong ngân hàng có lên đến bạc triệu họ vẫn mãi tìm.
Dẫu rằng với một số tiền nhỏ của họ thôi, họ cũng có thể ngồi yên ăn và hưởng suốt đời. Nhưng không! Họ vẫn thấy chưa đủ cần phải làm và làm liên tục cho đến khi nào không thể làm được nữa như bệnh nặng, bán thân bất toại hoặc chết, khi đó mới thôi. Cái đủ cho họ sẽ chẳng bao giờ đủ, vậy mà họ còn gánh thêm cái đủ cho con cái, cháu chít. Thế thì cái đủ đó hỏi biết bao giờ mới đủ đây?
Thế nên trong kinh Di Giáo, đức Phật có dạy: “Nếu ta biết đủ thì dù nằm trên đất cũng thấy đủ, còn không biết đủ thì dù có nằm trên đống vàng hay trên thiên đường cũng không thấy đủ…”
Bạn cho rằng, bạn quan tâm đến con cái? Cố làm thật nhiều tiền để dành cho chúng? Không đâu! Bạn đang hại chúng đấy! Bạn không nghĩ rằng con bạn đã lớn, tự nhận thức, tự kiếm tiền và tự lập được rồi ư? Bạn thử nghĩ, nếu không có bạn thì chúng sẽ ra sao? Chết đói ư? Nếu một người con chỉ biết trông chờ vào số tài khoản mà cha mẹ cực khổ tạo ra để hưởng thì đó là một kẻ đại bất hiếu và bạn chính là người tiếp tay tạo ra những chủng tử như thế, tạo cho chúng tính ỷ lại vào người khác mà không có tinh thần cầu tiến, vượt khó. Có nghèo khổ, đói rách mới biết trân quý những gì mình làm ra. Bạn nghĩ rằng, tiền làm nên tất cả? Không, nó chỉ là phương tiện sống mà thôi, cái chính là tình thương nhân loại kia. Nhiều người còn cho rằng: Có tiền mua Tiên cũng được. Liệu có quá không khi đề cao giá trị đồng tiền lên trên nhân phẩm con người, sống theo chủ nghĩa thờ tiền? Rồi khi chết đi họ có mua lại được mạng sống nữa hay chăng? Mà nói có tiền là có tất cả? Hay chỉ là một kẻ trắng tay sau khi nhắm mắt lìa đời. Để lại sau lưng những cấu xé tranh giành từ những người thân thích, những đớn đau ê chề?
Vốn dĩ cuộc đời chỉ là một vòng tròn thay đổi bất tận mà con người luôn chạy theo những danh vọng, hơn thua trong cái vòng luẩn quẩn ấy. Để rồi phải hối tiếc khi về già mắt mờ, tai điếc, chân run lập cập đối mặt với tử thần. Khi ấy mới nhắc đến hai chữ “GIÁ MÀ”.

Tâm Đồng - 2009

TÂM ĐỒNG - NGÔN BẤT HÚY




Thành tâm và hoan hỷ mời các Bạn cùng tôi kính thỉnh một bài thơ trong Luận Ngữ Học của vị Tú tài LÝ DỤC TÚ vào đời nhà Thanh thời Vua Khang Hy

NHI THÂN NHƠN


Đồng thị nhân,                       Phàm là người,
                         Loại bất tể,                                   Tuy khác loại,
                         Lưu tục chúng,                             Người phàm nhiều,
                         Nhân giả hi,                                  Người tốt ít,         
                        Giả nhân giả,                                 Người nhân đức,
                        Nhân đa uý.                                  Kẻ kính nể.
                        Ngôn bất húy,                               Lời nói ngay,
                        Sắc bất mị,                                    Chẳng nịnh hót,
                        Năng thân nhân.                           Người như thế, gần gũi họ.
                        Vô hạn hảo:                                  Lợi ích nhiều:
                        Đức nhật tiến,                               Đức tăng trưởng,
                       Quả nhật thiểu.                              Lỗi giảm dần.
                       Bất thân nhân,                               Như không gần người tốt,
                       Vô hạn hại;                                   Hại vô cùng;
                      Tiểu nhân tiến,                               Kẻ tiểu nhân đến gần ta,
                       Bá sự hoại.                                    Do đó mà, trăm sự hư.

                      Dịch giải:
Cũng là người, nhưng thiện ác, tà chánh, tâm trí cao thấp, tốt xấu khác nhau. Kẻ phàm phu chạy theo phong trào rất nhiều, người nhân từ bác ái thật quá hiếm hoi.

Nếu có người nhân đức xuất hiện, mọi người tự nhiên sẽ kính nể, bởi vì lời nói của họ chí công vô tư, không hề dối trá hoặc khéo lấy lòng người khác. Do đó, mà mọi người mới sanh tâm kính nể họ.

Thân cận được với người có nhân đức, học hỏi theo họ mới là điều tốt không vì bằng, bởi vì họ có thể giúp chúng ta mỗi ngày tăng trưởng đức hạnh, lỗi lầm sẽ từ đó mà giảm dần.

Nếu không chịu thân cận với người quân tử, nhân đức thì vô cùng tai hại, vì tiểu nhân sẽ có cơ hôi nhân đó mà đến thân cận với ta. Ngày tháng chất chồng, lời nói, cử chỉ của chúng ta đều bị ảnh hưởng và dẫn đến sự thất bại trong cả một cuộc đời.

Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.                                        

Wednesday 28 July 2010

NGUỒN GỐC CỦA ĐAU KHỔ.




Nguồn gốc của đau khổ là do cái "Trí": 

*Nó luôn chạy ngược xuôi khắp đó đây, liên miên, lãi nhãi, tiếp nối không ngừng, ngay cả trong giấc ngủ.
* Nó bận rộn lặp đi lặp lại những phiền não từ quá khứ.
* Nó đắp chìm trong lo lắng, sợ hãi, và lẫn quẫn mơ tưởng việc tương lai.
* Nó khắc khoải, vật vã trong việc ứng dụng một cách cứng ngắc và bất kể lý lẽ các quan niệm, nhân        sinh quan mà xã hội loài người đã đặt ra. 
* Nó phán đoán, phân tích, nhục mạ, tranh cãi ... Thậm chí, nó xây dựng các hình ảnh và cảm xúc của bạo động, oán hờn, ganh tỵ, v.v ...
* Nó cũng là tác nhân mang nhiều bệnh hoạn và đau đớn cho cơ thể vì sự miên man tai hại kia cứ liên tục chuyển tải sự nhiễu loạn của tư tưởng đến các tế bào.

Khi ta nhìn thấy một người lẩm bẩm nói một mình suốt ngày thì ta cho rằng người ấy mắc bệnh tâm thần. Riêng bản thân ta và tất cả mọi người còn lại thì cũng nói suốt ngày đêm, không ngừng nghỉ, khác chăng là ta nói âm thầm trong đầu, không phát thành lời mà thôi.

Đối ngược lại của sự "Đau Khổ" là "Hạnh Phúc", là một sự thật rõ rành rành ta đều biết. Vậy thì, nguồn gốc của Hạnh Phúc cũng là do từ nơi cái "Trí". Nếu đã vậy thế sao ta không chọn Hạnh Phúc? Và làm sao để tìm cho mình một hướng đi đúng để đạt đến Hạnh Phúc thật sự trong phút giây Tại và Hiện?

(The Here & Now Meditation)

Tuesday 27 July 2010

CÁI "TRÍ" CỦA ĐAU KHỔ.


Cuộc đối thoại dưới đây xảy ra trong một buổi tư vấn tâm linh giữa người cố vấn và một phụ nữ trẻ khoảng hơn 30 tuổi:
Người cố vấn: Chào Cô, Tôi có thể giúp gì cho Cô không?
Người phụ nữ: Mọi việc trong đời Tôi đều chẳng ra gì. Tôi cần giúp đỡ. Tôi cần một việc làm ổn định. Tôi cũng cần một chỗ ở tốt hơn vì hiện nay Tôi sống trong một phòng trọ ở tầng hầm của nhà người ta. Tôi muốn mọi người trong gia đình yêu thương Tôi. Chồng Tôi đã bỏ Tôi. Tôi cần một Người Đàn Ông đàng hoàng ... một Người Chồng tốt ... còn chiếc xe của Tôi nữa, nó vẫn cứ hỏng hoài ...
Người cố vấn: Những điều Cô vừa nói là Cô cần, Tôi thấy cũng không có gì quá đáng. Tôi nghĩ rằng ai trong  chúng ta cũng muốn được như vậy ... Nhưng Cô có biết người nào có tất cả những thứ đó không?
Người phụ nữ: Có chứ. Có một vài người bạn.
Người cố vấn: Thế Cô có thấy họ Hạnh Phúc không?
Người phụ nữ: ... Ơ ... ơ ... Chắc là không hẳn đâu.
Người cố vấn: Vậy Cô có nghĩ rằng nếu như Cô có đầy đủ những thứ đó, Cô sẽ cảm thấy Hạnh Phúc vĩnh viễn không?
Người phụ nữ: Có thể ... thật ra là ... không ... Chắc là không Hạnh Phúc mãi đâu.
Người cố vấn: Với quan điểm cá nhân của Tôi, Tôi nghĩ rằng: Chúng ta xuất phát từ một cội nguồn Yêu Thương và An Bình tuyệt đối. Có lẽ vì thế mà khi bị tách rời khỏi nơi ấy, mình luôn cảm thấy bơ vơ và thiếu thốn triền miên. Để đối phó với sự thiếu thốn, mình bám víu vào Tình Thương của người thân như Cha Mẹ, Bạn Đời, Con Cái, Anh Chị Em, Bạn Bè ... Cảm giác thiếu thốn cứ mãi đeo đẳng nên mình cố lấp đầy những khoảng trống ấy bằng tiền tài, công danh, sự nghiệp ...
Mỗi thứ đó đều có tác dụng, nhưng chỉ một ít lâu sau là cảm giác thiếu thốn lại xuất hiện ... Và một khi trạng thái thiếu thốn kia được khỏa lấp đầy thì không còn điều gì thành vấn đề nữa. Mình có đạt được những thứ mình mong thì cũng tốt, không đạt cũng chẳng sao. Vì khi ấy mình đã tìm được Bình Yên trong nội tâm cũng như với thế giới bên ngoài.
Khi chúng ta tách rời ra khỏi cội nguồn đầy đủ tuyệt đối kia, chúng ta đã tạo nên một "Trí thứ phụ", diễn đạt bằng chữ. Cái "Trí nguyên thủy" thì vốn dĩ Vô Ngôn và Âm Thầm; Mọi nhận thức đều không có sự diễn giải, phân tích. so sánh, phán xét. suy luận ... Mọi việc xảy ra đều chỉ có một trạng thái duy nhất: NHƯ LÀ, ĐANG LÀ.
Còn cái "Trí thứ phụ" kia là Trí mà Tôi và Cô, cũng như biết bao nhiêu người khác hiện đang dùng. Nó lãi nhãi không ngừng về những thứ đang làm chúng ta đau khổ. Một khi mình học được cách làm thuần cái Trí này thì mình có thể trở về với trạng thái của cái "Trí nguyên sơ"

Chúng ta có thể siêu vượt được cái cảm giác thiếu thốn kia vĩnh viễn. Các Bạn có muốn học cách làm này không?

(Trích từ The Here & Now Meditation)

Sunday 25 July 2010

NHỮNG LỜI CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHẬT





Dưới đây là tóm tắt những lời dặn dò cuối cùng của Phật. Thật ra Phật đã đau yếu từ ba tháng trước và đã khởi sự dặn dò người đệ tử thân cận nhất là A-nan-đà. Phật bảo A-Nan-đà tập họp các đệ tử để nghe giảng và thông báo trước sự tịch diệt của mình. Lúc ấy Phật đã 80 tuổi.
Trong những tháng cuối cùng, Phật đã gầy còm và mệt mỏi, nhưng vẫn đi thuyết giảng như thường, tuy không còn đi xa được nữa. A-Nan-Đà xin Phật hãy tĩnh dưỡng trong những ngày còn lại, nhưng Ngài khoát đi và dạy rằng : 
« Thân ta tuy có kém mạnh khoẻ, nhưng lòng từ bi của ta, trí sáng suốt của ta không kém sút. Ta còn tại thế ngày nào thì ngày ấy không phải là một ngày vô ích ». 
Trong một khu rừng cạnh thị trấn Câu-thi-na (Kusinaga, còn viết là Kuçinagara), ngày nay là một thị trấn nhỏ tên là Kasia, cách 50 cây số về phía đông tỉnh Gorakhpur, và cách 150 kilomét về phía bắc-đông-bắc Varanasi (Bénarès), Phật nằm nghỉ giữa hai gốc cây sa-la. Ngài tự gấp áo cà sa làm bốn, rồi nằm nghiêng về phía tay phải, đầu hướng về phía bắc, mặt hướng về phía tây, hai chân duỗi thẳng, chân này gác lên chân kia. Sau đó Phật ngỏ những lời cuối cùng với các đệ tử để nhắc lại một lần nữa tầm quan trọng của Đạo Pháp. Phật nhắc nhở các đệ tử phải hiểu rằng vị thầy của họ không phải là một nhân vật nào cả, dù đó là Phật, vị thầy đích thực của họ chính là Đạo Pháp. Phật cất tiếng và nhắn nhủ các đệ tử đang ngồi chung quanh Ngài như thế này : 
«  Này các đồ đệ, các con hãy tự làm đuốc để soi sáng cho các con, hãy trông cậy vào chính sức mạnh của các con; không nên lệ thuộc vào bất cứ ai. Những lời giảng huấn của ta sẽ làm ngọn đuốc dẫn đường cho các con, làm nơi nương tựa cho các con; không cần phải lệ thuộc thêm vào những lời giảng huấn nào khác nữa. 
« Hãy nhìn vào thân xác các con, các con sẽ thấy cái thân xác đó ô uế biết chừng nào. Khi các con hiểu được rằng lạc thú lẫn đớn đau của thân xác cũng chỉ là cội nguồn chung của khổ đau, khi hiểu được như thế, các con sẽ không thể nào tự buông lỏng cho dục vọng chi phối các con.  
« Hãy nhìn vào tâm thức các con, các con sẽ thấy cái tâm thức đó biến dạng không ngừng. Vì thế các con sẽ không thể nào tự buông rơi vào chính những ảo giác của tâm thức, để rồi tự duy trì những kiêu căng và ích kỷ do tâm thức tạo ra, nhất là khi các con đã hiểu rằng những xúc cảm đó nhất định chỉ mang đến khổ đau mà thôi. 
« Hãy nhìn vào tất cả các vật thể chung quanh xem có vật thể nào trường tồn hay chăng? Có vật thể nào không phải là những cấu hợp sinh ra hay không? Tất cả sẽ gẫy nát, tan rã và phân tán.  Các con chớ sợ hãi khi nhận thấy khổ đau cùng khắp mọi nơi, hãy noi theo những lời giáo huấn của ta, kể cả sau khi ta đã tịch diệt. Như thế các con sẽ loại bỏ được khổ đau. Thật vậy, cứ noi theo những lời giáo huấn của ta, rồi nhất định các con sẽ trở thành những đồ đệ thật sự của ta. 
« Này các đồ đệ của ta, những lời giáo huấn ta giảng cho các con, các con đừng bao giờ quên, đừng bao giờ để cho mai một đi. Phải bảo tồn những lời giáo huấn ấy, đem ra nghiên cứu và thực hành. Nếu theo đúng những lời giáo huấn ấy, các con sẽ đạt được an vui. 
« Những gì hệ trọng nhất trong những lời giáo huấn của ta là các con phải kiểm soát được tâm thức các con. Hãy gạt bỏ mọi thèm muốn và giữ cho thân xác đứng thẳng, tâm thức tinh khiết và ngôn từ chân thật. Nếu các con biết tự nhắc nhở là cuộc sống của các con chỉ là tạm bợ, các con sẽ đủ khả năng loại bỏ mọi thèm khát và hung dữ đưa đến khổ đau. 
« Nếu các con nhận ra được là tâm thức các con đang có xu hướng bám níu hay vướng mắc vào ham muốn, các con phải gạt bỏ ngay sự ham muốn và chận đứng sự cám dỗ đó. Các con phải làm chủ được tâm thức các con.
Tâm thức có khả năng biến một con người thành một vị Phật hay một con thú. Khi rơi vào sự lầm lẫn, ta có thể trở thành quỷ sứ, nhưng khi Giác ngộ ta sẽ thành Phật. Vì thế, các con phải kiểm soát lấy tâm thức các con và không đi lạc ra ngoài Chánh Đạo. 
« Để có thể giữ đúng như lời giáo huấn của ta, các con hãy kính trọng lẫn nhau và đừng cãi vả. Đừng bắt chước như nước với dầu xô đẩy lẫn nhau; hãy bắt chước như nước với sữa, có thể hoàn toàn hòa lẫn vào nhau.
Hãy cùng nghiên cứu với nhau, cùng giảng giải cho nhau, thực hành với nhau. Không nên phí phạm tâm thức của các con và thời giờ của các con trong sự cãi vả hay lười biếng. Hãy hân hoan đón nhận hoa thơm của Giác ngộ vào lúc ra hoa và hái lấy quả ngọt trên Đường Ngay Thật. 
« Những lời giáo huấn ta ban cho các con là do nơi kinh nghiệm của chính ta, và chính ta đã noi theo con đường đó. Các con nên tuân theo những lời giáo huấn ấy và giữ đúng như thế dù phải gặp hoàn cảnh khó khăn nào. Nếu các con xao lãng, có nghĩa là các con chưa hề gặp được ta, các con thật sự còn đang ở một nơi nào đó thật xa, dù cho trong lúc này đây các con đang ngồi bên cạnh ta cũng vậy. Nhưng nếu ngược lại, các con chấp nhận và đem ra thực hành những lời giáo huấn của ta, thì dù cho các con ở thật xa trong một chốn tận cùng của thế giới, nhưng cũng giống như các con đang ở bên cạnh ta trong lúc này. 
« Hỡi các đồ đệ, phút cuối cùng của ta đã gần kề, phút xa lìa giữa ta và các con không còn bao lâu nữa. Tuy nhiên các con không nên than khóc. Sự sống là một sự đổi thay không ngừng và không có gì cản trở được sự tan rã của xác thân. Cái sự thực đó, ta đang chứng minh cho các con thấy ngay trên thân xác của ta, thân xác ta sẽ tan rã như một cỗ xe hư nát. Đừng than khóc một cách vô ích, trái lại các con phải hân hoan khi nhận ra được cái quy luật biến đổi ấy và hiểu được rằng sự sống của con người chỉ là trống không mà thôi. Đừng cố gắng duy trì cái khát vọng phi lý, mong muốn những gì tạm bợ phải nhất định trở thành trường tồn. 
« Con quỷ của những dục vọng thế tục luôn luôn tìm cách đánh lừa tâm thức các con. Nếu có một con rắn độc trong phòng, các con sẽ không thể nào ngủ yên nếu chưa đuổi được nó ra ngoài. Các con phải cắt đứt những mối giây ràng buộc của thèm khát thế tục và rứt bỏ những mối giây đó như các con đã đuổi bỏ con rắn độc ra khỏi phòng. Các con phải bảo vệ thật cẩn thận tâm thức các con. 
« Này các môn đệ của ta, giây phút cuối cùng của ta đã đến, tuy vậy các con phải hiểu rằng cái chết chỉ là sự tan rã của xác thân vật chất mà thôi. Thân xác được Cha Mẹ sinh ra, nó lớn lên nhờ thức ăn, nó không có cách gì tránh khỏi bịnh tật và cái chết. Một vị Phật đích thực không mang thân xác con người, mà vỏn vẹn chỉ là sự Giác ngộ. Chỉ có sự Giác Ngộ mà thôi. Thân xác con người phải tiêu tan, nhưng Trí tuệ của Giác ngộ sẽ trường tồn vô tận trong thực thể của Đạo Pháp, trên con đường tu tập Đạo Pháp. Nếu có ai chỉ thấy thân xác ta thì kẻ ấy không thấy ta một cách thật sự. Chỉ có người nào chấp nhận những lời giáo huấn của ta mới thật sự nhìn thấy ta. 
« Sau khi ta tịch diệt, Đạo Pháp thay ta làm vị thầy cho các con. Biết noi theo Đạo Pháp, ấy chính là cách các con tỏ lòng trung thành với ta. Trong bốn mươi lăm năm sau cùng trong cuộc đời của ta, ta không hề dấu diếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch. 
« Này các con yêu quý của ta, đây là giây phút chấm dứt. Trong một khoảnh khắc nữa ta sẽ nhập vào Niết bàn. Những lời này là những lời dặn dò cuối cùng của ta cho các con ». 
Người chép lại những lời này của Phật xin chắp tay mong rằng :
- Vì Phật, chúng ta hãy đọc lại những lời nhắn nhủ trên đây thêm một lần.
- Vì tất cả chúng sinh, vì sự đau khổ của muôn loài, chúng ta lại đọc thêm một lần nữa.
- Để gởi đến từng đơn vị nhỏ nhoi nhất của sự sống, chúng ta lại đọc thêm một lần nữa ...
  Chúng ta nguyện sẽ đọc lên và đọc lên cho từng chúng sinh một, ta đọc cho đến khi nào những lời dặn dò trên đây của Phật trở thành những lời dặn dò xuất phát từ chính tâm thức ta, để nhắn nhủ cho chính ta, nhắn nhủ những người chung quanh ta, kể cả những sinh linh nhỏ nhoi nhất của sự sống.
          Nếu có một ai hỏi Bạn rằng: "Bạn đang sống vì Ai?, vì Cái gì?". 
          Thì xin Bạn hảy tự suy nghĩ và tự hỏi chính Bản thân như cũng đang hỏi lại người ấy rằng: 
          "Bạn có biết là khi Bạn chết, Ai sẽ chết cùng Bạn? Và sau khi chết Bạn sẽ đi về đâu?"

    Nguyện cầu cho Bạn: Trí Tuệ sáng - Trí Huệ mở. Vô cùng thành tâm chia xẽ cùng Bạn.  

LỜI THẦY DẠY...



Trong buổi thuyết pháp, một Ký giả hỏi Đức ĐẠT LA LẠT MA: " Thưa Lạt Ma, Xin cho biết về NGHIỆP?"

Ngài nói: "Danh từ NGHIỆP (KARMA) đến từ Ấn Độ, đây là Luật Nhân Quả. Nghiệp không chỉ là lý thuyết Triết học mà là Khoa học, Khoa học Phật Giáo. Những gì xảy ra những ngày trước là NHÂN. Hôm nay chúng ta nhận thức ra kinh nghiệm, đó là QUẢ".

Ký giả hỏi tiếp: "Mục đích của Ngày trong cuộc sống là gì?"

Ngài trả lời:"Muốn mang lại sự lợi ích càng nhiều càng tốt cho người khác, đồng thời cũng tự mang lại lợi ích cho chính mình."

TÙY HỶ (vui theo): Là phương pháp tu tập để tránh tỵ hiềm đố kỵ Phương pháp tu tập này cũng là một cách mang lại lợi ích cho người và cho mình.

Nếu thấy người thành công hoặc người hành thiện thì mình nên vui mừng như chính mình thành công hay mình đang hành thiện.

Nếu thấy lòng mình đang nhen nhúm sự ganh tỵ, tức là mình sắp có ý muốn phá sự thành công hay Hạnh phúc của người khác, thì lập tức dùng TRÍ TUỆ ngay chặn ngay lòng "Ghanh ghét này, hảy hướng nó về HẠNH TÙY HỶ"

Nên nhớ rằng, nếu chỉ thương chính bản thân mình thì không thể biết thế nào là HẠNH PHÚC.
Nhưng nếu thương người như thương chính mình thì sẽ thấy HẠNH PHÚC và tự nhiên nó đến với mình.

Mến chúc Bạn đạt được Hạnh Phúc thật sự trong phút giây hiện tại.

Tuesday 6 July 2010

NIỀM HY VỌNG TRONG CƠN BĨ CỰC.

Có một người duy nhất sống sót trong một tai nạn đắm
tàu và trôi dạt trên một hoang đảo nhỏ.

Kiệt sức, nhưng cuối cùng Anh cũng gom được những
mẫu gỗ trôi dạt và tạo cho mình một túp lều nhỏ để trú ẩn
và cất giữ một vài đồ đạc còn sót lại. Ngày ngày, Anh
nhìn về chân trời cầu mong được cứu thoát, nhưng
dường như  vô ích.

Thế rồi một ngày, như thường lệ Anh rời khỏi chòi để
tìm thức ăn trong khi bếp lửa trong lều vẫn cháy. Khi anh
trở về thì túp lều nhỏ đã ngập trong lửa, khói cuộn bốc
lên trời cao. Ðiều tồi tệ nhất đã xảy đến.

Mọi thứ đều tiêu tan thành tro bụi. Anh chết lặng trong
sự tuyệt vọng: “Sao mọi việc lại thế này lại xảy đến với
Tôi hở Trời?”.

Thế nhưng, rạng sáng hôm sau, Anh bị đánh thức bởi âm
thanh của một chiếc tàu đang tiến đến gần đảo. Người ta
đã đến để cứu Anh. “Làm sao các Anh biết được Tôi ở đây?”

Anh hỏi những người cứu mình. Họ trả lời: “Chúng tôi
thấy tín hiệu khói của Anh”.

Thật dễ dàng chán nản và thất vọng khi sự đời xảy đến
ngoài ý muốn. Nhưng cho dù điều gì xảy ra đi chăng nữa thì
cách đón nhận của Bạn, sẽ quyết định mức độ trầm trọng
của sự việc, quyết định quan điểm và sự hạnh phúc của bạn.

Một trong những bí mật vĩ đại của cuộc đời đó chính là: Hảy tìm thấy một
“ánh sáng hy vọng” trong đám khói đen của sự rủi ro./.
                                                                                            
(Trích từ một trang mạng cá nhân)